Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành sự quan tâm đặc biệt, sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong giai đoạn giữ các cương vị trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, nhiều chủ trương, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng; các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Nổi bật là Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà gia đình chính sách (năm 2022)
Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cùng lãnh đạo UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Quang Phúc)
Năm 2014, sau khi nghe báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhất trí ngay về việc phải ban hành một Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam. Theo đó, Ban Dân vận Trung ương đã chủ trì thành lập Tổ soạn thảo Chỉ thị với sự tham gia của: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động -Thương binh và xã hội, Bộ Y Tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Trung ương Đảng và Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Sau thời gian chuẩn bị, tại Hội nghị của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị 43-CT/TW được ban hành thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta nói chung và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng đối với công tác khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trách nhiệm, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức và toàn dân đối với nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này; nhất là việc hỗ trợ, giúp đỡ, cải thiện đời sống của NNCĐDC. Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành; trong đó, nhiệm vụ thứ 2 đã nhấn mạnh: "Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài; chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học; người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974 - 1975 nhưng chưa đủ thời gian được cấp Huy chương". Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có hơn 400 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; hàng triệu người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội,… Cùng với đó, công tác khắc phục hậu quả CĐHH đối với môi trường cũng có chuyển biến mạnh mẽ; nhất là việc tẩy độc ở các điểm tồn lưu nhiều chất độc dioxin như các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát (Bình Định) và ASO (Thừa Thiên Huế)...
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đậm nét trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Ông là người chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó có nội dung thông qua việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Ngày 6/11/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 217-TB/TW “Về kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2016)”. Thông báo nêu rõ: Đây là dịp để tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ NNCĐDC về vật chất và tinh thần; tạo sự quan tâm, ủng hộ dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý đối cho NNCĐDC Việt Nam.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6 đến ngày 10/7/2015 và đón tiếp Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph R.Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và con người Việt Nam. Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện: lãnh đạo hai nước hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đây là ưu tiên trong quan hệ hai nước, giúp xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam và Hoa Kỳ khẳng định quyết tâm hoàn thành tẩy độc sân bay Biên Hòa, đẩy mạnh rà phá bom mìn, vật liệu nổ; tăng cường hỗ trợ người khuyết tật do bất cứ nguyên nhân nào...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13.38 phút, ngày 19/7/2024. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, có những đóng góp đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ông mất đi nhưng hình ảnh và tấm gương của ông vẫn còn mãi mãi… Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và hàng triệu nạn nhân trong cả nước, xin vĩnh biệt ông - một tấm gương sáng ngời, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân./.
Nguyễn Văn Khanh - Nguyên Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam