Bài phát biểu của Vương Thị Quyên, nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại buổi giao lưu với Nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản và Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội
Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2021
Kính thưa các quý bà, quý ông, các bạn sinh viên
Tôi lên là Vương Thị Quyên, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình và tôi là con gái út trong gia đình có 4 anh em. Tôi sinh ra bình thường giống như bao đưa trẻ khác, nhưng năm tôi lên 9 tuổi thì phát hiện bị u gù, cong vẹo cột sống bẩm sinh do bị nhiểm chất độc da cam di truyền từ bố. Trước đây, bố tôi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên ở miền Nam Việt Nam, nơi Mỹ đã rải chất độc hóa học. Đó là một loại chất độc gây ra nhiều bệnh tật ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và gây ra đột biến gen dẫn đến cơ thể dị dạng, quái thai …cho con người.
Vương Thị Quyên (áo trắng)
Từ khi phát hiện tôi bị bệnh, gia đình đưa tôi chạy chữa nhiều nơi nhưng không có cách nào chữa khỏi. Bắt đầu từ đó, cơ thể tôi bị những cơn đau hành hạ, càng ngày cơ thể càng gầy gò ốm yếu và khối u trên lưng cũng dần dần phát triển theo, càng ngày các đốt xương khớp, cột sống của tôi càng đau nhiều hơn hay bị mệt và đi lại khó khăn hơn. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên chưa nghĩ, cảm nhận được mình sẽ gặp những khó khăn gì ở phía trước, nhưng càng lớn thì khối u càng phát triển nên tôi lại càng phải đối mặt và cảm nhận được những tổn thương khi nghe những lời nói dè bỉu, họ nhìn tôi với ánh mắt khinh thường, xa lánh và còn gọi tôi là “ con khuyết tật”, “con gù”... Lúc đó, tôi rất buồn, xấu hổ, cảm thấy tuyệt vọng và sợ hãi mỗi khi ra ngoài.
Sức khỏe tôi yếu là thế, cơ thể tôi khác thường là thế, nhưng bù lại tôi là một đứa thích học, ham học và muốn được học nên không vì mấy cái ánh nhìn xem thường, lời nói chê bai của mọi người mà tôi nghỉ học. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc “nghỉ học” và tôi cũng không quan tâm đến người khác nói gì về mình, tôi luôn nghĩ theo hướng tích cực, lạc quan để yêu đời hơn. Tiếp xúc lâu dần, bạn bè mọi người cũng có cái nhìn thiện cảm và giúp đỡ tôi nhiều hơn.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi có theo học trung cấp tin học tại Đại học Quảng Bình. Sau khi ra trường, tôi được nhận vào làm việc lại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau hơn 1 năm làm việc thì tôi nhận được học bổng du học ngành Báo chí – Truyền Thông tại trường Đại học NIILM - Ấn Độ theo chương trình “Tìm kiếm tài năng nữ sinh trẻ” của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ấn Độ phối hợp tổ chức.
Ở bên Ấn Độ là khoảng thời gian tôi gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay, mọi thứ đều mới lạ khác biệt (văn hóa, ẩm thực, khí hậu..), sức khỏe tôi đã yếu nên dễ bị ốm hơn. Sau 3 năm gian khổ đó thì tôi cũng đã tốt nghiệp ra trường và quay trở về làm việc tại Hội NNCĐDC/dioxin Tỉnh Quảng Bình trong 1 năm. Hiện tại tôi đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam.
Trong suốt thời gian làm việc với Hội nạn nhân, tôi đã đến thăm và chứng kiến các nạn nhân - những người cùng hoàn cảnh giống tôi, nhưng họ lại khổ hơn tôi. Tôi còn nói, nghe, nhìn, hát, đi được nhưng họ thì khác: Họ có tai nhưng không thể nghe, có mắt nhưng không thể nhìn, có miệng nhưng không thể gọi mẹ, có chân nhưng không thể đi, cùng là phụ nữ nhưng không có quyền được làm mẹ và xung quanh tôi còn có nhiều người khổ hơn thế. Chúng tôi cũng là con người nhưng không có quyền được làm người đúng nghĩa, chỉ là những thân hình dị hình, dị dạng nằm co quắp một chổ, không biết tương lai, thế giới bên ngoài như thế nào?
Chính chất độc hóa học của Mỹ rải trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã ngấm vào máu thịt của biết bao nhiêu người, sinh ra những đứa con không lành lặn, tật nguyền, họ không có khả năng tự sinh hoạt cá nhân… đem lại nhiều gánh nặng, đau thương cho gia đình và đem lại hệ lụy cho xã hội.
Cũng giống như Việt Nam, trong chiến tranh thế giới thứ hai, vào ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm 1945, hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đất nước Nhật Bản đã phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử của Mỹ. Sau 74 năm xảy ra vụ ném bom hạt nhân, hiện tại đất nước Nhật Bản đã có rất nhiều nạn nhân bị nhiễm chất phóng xạ. Chính nó gây ra những căn bệnh quái ác, dị dạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và thế hệ tương lai.
Hôm nay, Tôi rất vinh dự và may mắn đại diện cho hàng triệu nạn nhân chất độc hóa học Việt Nam để nói lên tiếng nói và những mong muốn, nguyện vọng của chúng tôi. Tôi là một nạn nhân và tôi đã thấm được nổi khổ đau, khó khăn mình phải gánh chịu nhiều như thế nào. “Nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”, họ cần nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, của xã hội. Người Việt Nam có câu: “lá lành đùm lá rách – lá rách ít đùm lá rách nhiều” và với tinh thần tương thân tương ái, gắn kết yêu thương; tôi mong muốn sự chung tay, giúp đỡ “Xoa dịu nổi đau da cam” của các bạn và của bạn bè quốc tế. Đó là nguồn động viên, an ủi giúp các nạn nhân vơi bớt một phần nào gánh nặng cho gia đình và giúp họ có được sự tự tin, động lực sống tiếp trong những ngày còn lại.
Và tôi cũng hi vọng và mong muốn tất cả các bạn cùng với chúng tôi đứng lên để phản đối chiến tranh, đặt biệt là chiến tranh chất độc hóa học và chiến tranh hạt nhân trên toàn thể giới để chúng ta không còn phải nhìn thấy cảnh đau thương mất mát, cảnh tật nguyền, cảnh chìa lìa người thân nữa và để thế hệ trẻ mai sau được hưởng quyền làm người đúng nghĩa, quyền được hạnh phúc như bao người.
Tôi – chúng ta phản đối chiến tranh!
Tôi chân thành cảm ơn!