Tổng thuật: Giao lưu Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam “HÀNH TRÌNH KHÁT VỌNG”
Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh khai mạc Chương trình giao lưu
Phát biểu khai mạc Chương trình, Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh đã nêu rõ: Chương trình nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với NNCĐDC và những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam. Chương trình cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương những tấm gương NNCĐDC đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã, tỏa sáng, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh đã phát động Chương trình nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2021, với cú pháp: Da cam gửi 1409; mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế, Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, tiếp tục hỗ trợ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học, giúp đỡ nạn nhân, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và bà Nguyễn Phương Nga giao lưu với khán giả
Hình ảnh trên màn hình lớn đã khắc họa những hình ảnh tiêu biểu, tổng hợp các con số về hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường; nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; nhất là công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam.
Trong phần giao lưu, khán giả được xem video clíp về Nay Djruêng ở Gia Lai - một NNCĐDC tật nguyền bẩm sinh thoát khỏi lệ Nar tui mih (chôn sống người dị tật) theo hủ tục của người J’rai. Không đầu hàng số phận, em đã vươn lên tốt nghiệp phổ thông, học nghề tự nuôi sống bản thân. Video clíp về cuộc đời bà Phan Thị Bé một người phụ nữ với những mơ ước như những người bình thường, có một gia đình với tiếng khóc của trẻ thơ, nhưng ước mơ đó chỉ là mơ ước do chất độc da cam/dioxin đã làm những hạnh phúc nhỏ nhoi đó trôi tuột, xa vời tầm tay... Trước hoàn cảnh nghiệt ngã đó, Bà đã dành cả cuộc đời cho công tác chăm sóc NNCĐDC, trẻ khuyết tật.
NNCĐDC Dương Văn Bình giao lưu với khán giả
Cùng với đó, khán giả được giao lưu trực tiếp với NNCĐDC Dương Văn Bình ở Thái Nguyên đã vượt qua bệnh tật mở một xưởng sửa chữa đồ điện, từng bước tạo được uy tín và phát triển; anh còn mở xưởng may mặc, đào tạo và tuyển công nhân may là NNCĐDC, trẻ khuyết tật; xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, bò,... Cùng với đó, Bình còn tích cực tham gia công tác xã hội, năm 2020 được kết nạp vào Đảng.
NNCĐDC Phan Sỹ Tân giao lưu với khán giả
Em Phan Sỹ Tân (Nghệ An) đã làm cho khán giả hết sức xúc động khi kể về quá trình vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống: là một NNCĐDC khuyết tật, không tự đi lại, không tự sinh hoạt được, giao tiếp khó khăn, nhưng bằng nghị lực, những nỗ lực vượt bậc em đã trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, đạt giải nhất trong Cuộc thi Giải pháp công nghệ thông tin dạy học trực tuyến, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An tổ chức.
Các video clip về Thầy giáo Chu Quang Đức ở Mê Linh, Hà Nội; Cựu chiến binh Bùi Thiết Thực ở Thạch Thành, Thanh Hóa; ông Nguyễn Văn Toàn, giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng NNCĐDC thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi...
Họ là những tấm gương “hành trình khát vọng”, những NNCĐDC cơ thể bị tật nguyền, không bình thường, nhưng nhờ nghị lực phi thường đã vượt khó vươn lên; trong họ luôn tràn đầy năng lượng sống, vượt qua tất cả để tiến về phía trước với tinh thần lạc quan.
Đặc biệt, khán giả còn được giao lưu trực tiếp với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và bà Nguyễn Phương Nga. Hai vị khách đã đưa ra những thông tin hết sức quý giá, chân thực về sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; sự hợp tác giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong việc khắc hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Nga đã kể về quá trình công tác tại Liên Hiệp Quốc, tham gia đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam. Bà khẳng định: hậu quả chất độc hóa học đã làm ảnh hưởng toàn diện đến đất nước, về kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc phòng, an ninh,... Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC còn mang ý nghĩa thời đại, là thông điệp để ngăn chặn chiến tranh hóa học, bảo vệ môi trường, bảo vệ hòa bình trong tình hình hiện nay.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC là việc làm chính nghĩa được bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân Mỹ ủng hộ; họ đều mong muốn Chính phủ Hoa Kỳ phải đóng góp nhiều hơn nữa, như ông Tim Rieser đã phát biểu “Chúng ta không thể làm thay đổi lịch sử, nhưng chúng ta có thể làm vơi bớt nỗi đau do lịch sử để lại”. Thượng tướng cũng làm rõ hơn về quá trình xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát và sân bay Biên Hòa; đồng thời khẳng định các dự án xử lý chất độc dioxin trong chiến tranh sẽ còn phải tiếp tục cho đến khi không còn một mảnh đất nào trên đất nước ta bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn văn Khanh, Phó Chủ tịch Hội - Giám đốc quỹ NNCĐDC/dioxin tặng quà cho anh Dương Văn Bình
Nhân dịp này, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đã tặng quà cho NNCĐDC Dương Văn Bình và em Phan Sỹ Tân.
Một tiết mục văn nghệ trong Chương trình
Chương trình được xen kẽ bởi các tiết mục nghệ thuật đặc sắc nói lên nỗi đau da cam, hành trình khát vọng vươn lên mạnh mẽ của nạn nhân và sự chung tay sẻ chia của cộng đồng xã hội.
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chương trình diễn ra vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn, đúng với quy định về phòng chống dịch của Chính phủ. Chương trình được Truyền hình Quốc phòng Việt Nam phát vào lúc 20 giờ 30 phút, thứ tư, ngày 21/7/2021./.
Bài và ảnh: Mạnh Dũng – Đình Trọng