Ngày 18/06/2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Trung ương Hội) đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tổ chức buổi làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Định (Tỉnh hội Bình Định) về tình hình hoạt động và công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn; đồng thời thăm một số gia đình nạn nhân chất độc da cam đang được chăm sóc tại gia đình.
Tham gia buổi làm việc với Ngài Đại sứ Karl Hendrik Margareta Van Den Bossche, phía Việt Nam có: Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó chủ tịch và bà Đỗ Mai Khanh, Trưởng Ban Đối ngoại; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bỉnh Định có: ông Văn Hiệp, Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Khắc Minh, Phó Chủ tịch, bà Đặng Thị Hồng Vân, Phó chủ tịch, chị Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên văn phòng; Sở Ngoại vụ tỉnh có: ông Võ Đình Kha, Phó Giám đốc, cô Lê Thị Ly Đa, Chuyên viên; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có: ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chánh Văn phòng, ông Lưu Văn Chỉ, Trợ lý Hóa học. Hai bên cùng trao đổi về tình hình công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh, sau đó Đoàn đi thăm thực tế tại 02 gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc tại Trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Định
Tại buổi làm việc, ông Văn Hiệp, Chủ tịch Tỉnh hội Bình Định báo cáo về công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam; những vấn đề cần ưu tiên để hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng nạn nhân; nhất là việc chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân nặng và đặc biệt nặng. Những khó khăn trong công tác huy động, vận động nguồn lực từ cộng đồng xã hội, như: nhân lực làm việc tại Tỉnh hội mỏng, chỉ vỏn vẹn 4 người; trong khi đó số lượng nạn nhân trong tỉnh đông. Hiện nay, tổng số nạn nhân trong tỉnh là 14.064 nạn nhân, trong đó nạn nhân thế hệ 1 tham gia hoạt động kháng chiến là 1.439 người; thế hệ thứ hai là con đẻ của nạn nhân hoạt động kháng chiến 1.253 người; thế hệ thứ ba là cháu nội, cháu ngoại bị dị dạng, dị tật 100 người; nạn nhân dân thường là 8.526 người; đối tượng khác là 2.746 người. Số hộ có người bị phơi nhiễm là 6.010 hộ, trong đó có gia đình có 2 đến 3 thế hệ bị di chứng chất độc hóa học/dioxin.
Tiếp đó, Trung ương Hội đã trao tặng 5 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam (thông qua Tỉnh hội) trị giá 5 triệu đồng; Ngài Đại sứ Karl đã tặng đã tặng 2 suất quà cho 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam mà Ngài đến thăm. Trung ương Hội và Ngài Đại sứ đã đến thăm trực tiếp một số nạn nhân chất độc da cam sống tại gia đình.
Đối với Nhung (nạn nhân mặc áo trắng, ở giữa) những khó khăn hay khuyết tật chỉ làm em thấy bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày thôi chứ không làm giảm đi tình yêu, niềm tin của em vào cuộc sống!
Buổi làm việc và thăm nạn nhân gia đình nạn nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Ngài Đại sứ, tận mắt thấy các nạn nhân không phải chỉ ngồi, nằm một chỗ... mà họ còn vươn lên hòa nhập cộng đồng, thậm chí có những đóng góp của mình cho cộng đồng, xã hội. Đại sứ chia sẻ: “chuyến thăm làm việc thật sự đầy cảm xúc, tôi vô cùng cảm động và cảm phục ý chí vươn lên của nạn nhân chất độc da cam; chính họ đã tiếp cho tôi nguồn năng lượng để tôi làm việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết mà Hạ viện của chúng tôi đã thông qua, để lan toả nhiều hơn nữa đến các quốc gia đang quan tâm và coi trọng vấn đề nhân đạo..."
Chỉ trong một buổi sáng, Ngài Đại sứ đã được nghe báo cáo, thăm, nhìn trực tiếp những hoạt động và tình hình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Bình Định, ông đã hiểu thêm về công tác nhân đạo mà Trung ương Hội cùng 63 tỉnh/thành hội đã, đang làm với ý nghĩa và mục tiêu cao cả nhằm cải thiện chất lượng sống để nạn nhân được hòa nhập cộng đồng./.
Ban Đối ngoại,
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam